[me va be]Theo các chuyên gia, thở bằng miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật thậm chí nó có thể gây nên tình trạng viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang, ảnh hưởng đến lồng ngực, giọng nói.
Chị Vũ Thị Lan Anh trú tại Hoàng Diệu, Thái Bình cho con đi khám ở bệnh viện Nhi Thái Bình, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm amidan Chị Lan Anh kể từ khi sinh ra đến nay gần 4 tuổi hầu như năm nào cũng vài lần cháu phải đi viện điều trị bệnh liên quan đến tai, mũi, họng.
Chị được bác sĩ tư vấn cắt amidan. Tuy nhiên, vì con còn nhỏ, chị Lan Anh còn cân nhắc. Chị quyết định cho con lên Hà Nội kiểm tra lần nữa. Khi bác sĩ khám cho bé, bác sĩ thấy hai môi của bé lệch, sai khớp cắn, nói giọng mũi nhiều hơn.
Bác sĩ hỏi thói quen bảo cháu thở bằng mũi thì không thấy cánh mũi di động mà cháu chỉ thở được bằng miệng.
Chị Lan Anh vốn không để ý con thở bằng đường miệng hay đường mũi. Những lần con ngủ, chị thấy bé thường há miệng thở chị tưởng đó là do con nghẹt mũi, khó thở nên phải thở bằng miệng.
Hay như trường hợp bé Nguyễn Anh Thư 8 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội thường xuyên bị viêm mũi họng, khi thở bé bị khịt khịt mũi.
Từ ngày con bé, bố mẹ cháu cho đi khám ở đâu bác sĩ cũng bảo viêm V.A và lớn lên sẽ hết nhưng qua giai đoạn 5 tuổi bệnh này không khỏi.
Cùng suy nghĩ với chị Lan Anh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Danh Đức- Bệnh viện Medlatec cho biết anh gặp rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh viêm mũi, viêm họng mãn tính do thói quen thở bằng đường miệng.
Đa số bệnh nhân đều nghĩ rằng, thở bằng miệng hay bằng mũi cũng chỉ là cách thở thông thường nhưng không phải như vậy mà việc thở bằng mũi hay bằng miệng có thể gây bệnh, trở thành các bệnh cố tật nhất là về răng miệng.
Tác hại không ai để ý
Có những cháu bé quen thở miệng dẫn đến sai khớp cắn, răng cửa không khớp, không thể chạm vào nhau vì thói quen thở bằng miệng này.
Thạc sĩ Đức cho biết hai lỗ mũi là cửa ngõ của đường hô hấp, cũng là màn chắn đầu tiên trước khi không khí đi vào cơ thể.
Thạc sĩ Nguyễn Danh Đức (Ảnh soha.vn).
Khi thở qua mũi có vai trò quan trọng do hô hấp là yếu tố đầu tiên kiểm soát mức năng lượng của cơ thể. Ngoài ra, thở qua mũi giúp tạo nên áp lực phản hồi để phổi có nhiều thời gian hấp thu ôxy và cân bằng pH máu.
Đặc biệt, khi thở qua mũi, không khí đi qua hốc mũi và các xoang giúp lọc và làm ấm không khí trước khi đi vào phổi,
Ở trong mũi còn có các tuyến thể trong niêm mạc mũi còn tiết ra một chất nhầy nhằm giữ bụi bặm và vi khuẩn trong không khí lại. Chúng tiêu diệt các vi khuẩn, virut gây bệnh để tránh cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào sâu bên trong cơ thể.
Lông trong mũi cũng có tác dụng ngăn cản bụi. Như vậy, đại bộ phận bụi bặm, các hạt nhỏ và vi khuẩn từ bên ngoài đều bị giữ lại ở mũi.
Trong niêm mạc mũi còn có những tế bào chỉ riêng mũi mới có, đó là tế bào khứu giác, có công năng nhận biết mùi vị. Khi ngửi thấy những mùi vị kích thích hoặc có hại cho cơ thể, tế bào khứu giác lập tức phản ánh lên đại não.
Dưới sự chỉ huy của đại não, người ta sẽ bịt mũi lại để giảm nhẹ sự tổn thương do khí độc gây nên.Vì thế, việc thở bằng mũi phòng ngừa được bệnh tốt hơn là thở bằng miệng.
Thạc sĩ Đức nhấn mạnh chỉ trong những trường hợp đặc biệt (tắc mũi), miệng mới tạm thời thay thế.
Việc thở bằng miệng, bằng mũi thay đổi tưởng như dễ, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng việc thay đổi thói quen này nhất là ở trẻ cũng cần rất nhiều thời gian.
Để xác định trẻ có thở bằng mũi không, bác sĩ cho rằng quan sát các tình trạng bệnh lý dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp trên như viêm amidan, V.A nhiều lần, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường xuyên, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa…
Quan sát trẻ thở: hai môi cách xa nhau, miệng ở tư thế mở, thở sâu không thấy di động của cánh mũi, sai khớp cắn, viêm lợi, nói giọng mũi…
Cha mẹ cần có thói quen hướng dẫn trẻ hít thở sâu qua mũi vào sáng và tối để trẻ bỏ qua việc thở bằng miệng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét