[ suc khoe] Các cụ thường nói “chửa cửa mả” bởi trong chín tháng mười ngày mang thai, người phụ nữ và cả thai nhi phải đối diện với nhiều nguy cơ cũng như biến cố ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vậy, thai phụ phải làm gì để “mẹ tròn con vuông” và vượt qua thời gian đầy thử thách này.
Được tư vấn kỹ càng: Đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào, có con là niềm mong mỏi và hạnh phúc vô bờ, nhưng để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh, người phụ nữ và cả người chồng cần hiểu được sinh lý của sự thụ thai để chuẩn bị tốt về tinh thần, thể chất đương nhiên cả về vật chất, kinh tế để nuôi dưỡng em bé tốt trong suốt thai kỳ và sau khi sinh. Đối với người phụ nữ, trước khi có thai phải khám phụ khoa, đặc biệt là những trường hợp bị viêm nhiễm, những người mang gen di truyền có thể để lại hậu quả nặng nề cho thai nhi như tan máu bẩm sinh, thiểu năng tuyến giáp... hay có khả năng sinh ra những đứa con tật nguyền, làm giảm chất lượng cuộc sống là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những người có tiền sử sảy thai liên tiếp, thai chết lưu cần làm xét nghiệm một số nhiễm khuẩn như giang mai, ký sinh trùng hoặc một số yếu tố khác để loại trừ, hoặc nếu có thì điều trị cho dứt điểm rồi mới mang thai và chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai.
Bổ sung yếu tố vi lượng: Để chuẩn bị cho quá trình mang thai, cả người vợ và chồng cần phải bổ sung các yếu tố vi lượng cần thiết để có tinh trùng khỏe mạnh, noãn (hay gọi là trứng) khỏe mạnh như uống viên sắt, acid folic trước khi có thai ít nhất 3-4 tháng vì thiếu các chất này dễ gây dị tật ống thần kinh cho thai nhi... Ở những vùng cao cần cung cấp thêm i ốt, nếu thiếu i ốt sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.
Trong thời kỳ mang thai:
Quý 1 (3 tháng đầu) thai kỳ là giai đoạn xảy ra nhiều biến cố nhất trong thời kỳ mang thai như chửa ngoài tử cung, thai chết lưu, sảy thai, do vậy sau khi chậm kinh 1-2 tuần cần thử thai bằng que thử để xác định có thai hay không, tốt nhất là định lượng nồng độ bêta hCG trong máu để biết được tình trạng thai khỏe hay yếu. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn mang thai, thai ở trong tử cung, thai có phát triển tốt hay không, người phụ nữ nghén nhiều hay nghén ít, tình hình của phôi thai, hoạt động của tim thai, chiều dày của bánh rau có phát triển tốt không thì cần được thăm khám ban đầu bằng siêu âm và xét nghiệm. Từ tuần 6-7, nếu thai phát triển bình thường thì đã nằm trong tử cung nhưng nếu chưa thấy hình ảnh thai trong tử cung mà không bị đau bụng hay chảy máu thì có thể thai vào tử cung muộn hơn do vòng kinh chậm. Nếu trong thời gian này mà siêu âm không thấy thai trong tử cung, nồng độ hCG cao, ra máu thì có thể thai nằm ngoài tử cung, hoặc là thai chết lưu cần được xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm cho người mẹ.
Trong quý 2 (3 tháng giữa của thai kỳ), các bộ phận của cơ thể đã hình thành đầy đủ và phát triển, vì vậy theo dõi thai dễ hơn. Khi thai từ 22 tuần thì cơ thể của thai đã phát triển rõ hơn, lúc này những bất thường về hình thái của thai nhi dễ phát hiện được qua siêu âm và nếu có những bất thường nặng thì vẫn có thể phá thai được và ít tai biến hơn.
Trong giai đoạn quý 3 (3 tháng cuối của thai kỳ), thai phụ cần theo dõi dấu hiệu ra máu, rau tiền đạo, thai chậm phát triển để xử lý cho tốt. Lúc này cũng cần siêu âm 3 chiều để xác định bệnh lý của các mạch máu của tử cung người mẹ, tình trạng dây rốn và các mạch máu của dây rốn, thai có nguy cơ bị kém phát triển trong tử cung hay không
Khám thai đầy đủ: Khám thai giúp xác định có thai hay không, thai khỏe hay không, phát triển thế nào. Trong quá trình mang thai chỉ nên thực hiện siêu âm 3-4 lần: lần đầu tiên để xác định ví trí thai nằm trong hay ngoài tử cung, lần thứ hai (thai 12-13 tuần) để xác định độ dày da gáy, lần 3 (khi thai được 22 tuần) để xác định dị dạng, hình thái bất thường bên ngoài, khiếm khuyết của thai nhi có nặng nề hay không để khuyên giữ thai hay đình chỉ thai nghén vì thời điểm này thai còn nhỏ, độ an toàn cao, sau 22 tuần thì phải kích thích chuyển dạ đẻ non. Lần 4 là 32 tuần, đánh giá nguy cơ bị kém phát triển, phát hiện bệnh lý của động mạch tử cung, động mạch rốn, nhau thai và tiếp tục theo dõi đến tuần 39-40. Ngoài ra, khám thai phải thử nước tiểu. Xét nghiệm đường huyết, protein niệu để phát hiện tiền sản giật, đái tháo đường thai nghén.
Bổ sung dinh dưỡng nhưng tránh tăng cân quá nhiều: Trong giai đoạn đầu, thai nhi cần acid amin để hình thành tổ chức nên người mẹ phải ăn có chất lượng nhưng phải ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như trứng, thịt, tỷ lệ cân đối giữa đạm, đường, mỡ. Nếu bị nghén không ăn uống được thì phải uống sữa, hoặc ăn ít một và người mẹ phải hiểu rằng sự ăn uống đầy đủ rất cần thiết cho con, nên cần cố gắng ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển tốt. Tuy nhiên, cần ăn vừa phải để tránh lên cân quá nhiều. Bình thường, trong suốt thời kỳ mang thai, người mẹ cần tăng từ 12-13 kg, nếu tăng từ 17-20 kg thì cần theo dõi sự phát triển của thai vì có những thai phụ, mẹ tăng cân nhiều có bệnh lý ở động mạch tử cung, lượng máu đến thai nhi ít thì thai kém phát triển hoặc những bệnh lý khác đối với thai nhi. Ngoài ra, thai phụ cần uống bổ sung viên sắt, acid folic để phòng ngừa thiếu máu, từ tuần 17-18 phải bổ sung canxi, nên phối hợp vitamin D3 và vitamin K vì canxi chỉ được hấp thụ tốt với dẫn xuất của vitamin K và D3.
Sinh hoạt tình dục trong thời kỳ thai nghén: Đây là vấn đề tế nhị nhưng khoa học không cấm mặc dù có chỉ định chặt chẽ với những trường hợp có tiền sử đẻ non, sảy thai, cổ tử cung ngắn, dễ bị kích thích thì phải hạn chế về tần suất, tốc độ, cường độ. Những trường hợp ra huyết, đau bụng thì tuyệt đối không được sinh hoạt tình dục. Ngoài ra cũng cần chú ý, mặc dù không sinh hoạt tình dục nhưng nếu kích thích đầu ti hay xoa bụng thì lại là yếu tố dễ gây sảy thai, đẻ non vì khi kích thích đầu ti sẽ làm tăng tiết chất oxytocin hay xoa bụng sẽ kích thích làm co cơ tử cung dẫn đến sẩy thai hoặc dọa đẻ non. Người phụ nữ và người chồng cần phải biết và cả hai phải chịu khó hy sinh vì con đồng thời với những trường hợp này phải lựa chọn tư thế cho phù hợp.
Khắc phục một số khó chịu khác: Táo bón: Trong giai đoạn đầu mang thai, nhiều trường hợp bị đau dạ dày, khó chịu vùng thượng vị, táo bón. Để giảm triệu chứng này có thể sử dụng thuốc giảm co, chế độ ăn uống phù hợp. Nếu bị táo bón phải bổ sung thêm thức ăn nhuận tràng, nếu vẫn không được có thể dùng microlac bơm vào hậu môn. Cần ăn uống nhiều nước, rau quả những thực phẩm nhuận tràng, tránh các chất kích thích như rượu, bia, chua cay quá mức.
Đi tiểu nhiều lần: Nếu đi tiểu nhiều vào những tuần cuối của thai kỳ có thể do thai đã lớn, đầu thai chúc xuống dưới nhưng thai phụ cần đi khám phụ khoa có thể do nguyên nhân viêm nhiễm. Nếu có viêm nhiễm thì phải đặt thuốc điều trị để thai nhi đi qua đường âm đạo không bị viêm kết mạc, viêm phổi, nếu mổ lấy thai thì sau mổ không bị viêm nội mạc tử cung.
Phù chân: Khi tử cung càng to sẽ chèn vào tĩnh mạch chủ dưới, làm giảm lưu lượng máu, gây ra bệnh trĩ, phù chân. Trong trường hợp này, thai phụ ở quý 2,3 của thai kỳ đi khám cần được đo huyết áp, xét nghiệm protein niệu vì phù là dấu hiệu báo hiệu của tăng huyết áp hoặc tiền sản giật. Nếu các chỉ số huyết áp, protein niệu bình thường thì hiện tượng phù chỉ do thai nhi chèn ép khi đó người mẹ nên nằm gác chân lên, nằm nghiêng bên trái để tử cung không chèn ép lên tĩnh mạch chủ nữa.
Đẻ an toàn
Để cuộc đẻ diễn ra an toàn, trước tiên, trong quá trình mang thai, người phụ nữ phải được khám thai đầy đủ, thai nhi phát triển tốt, phải dự kiến nơi sinh và đăng ký trước sinh vào tuần thứ 29-30 của thai kỳ. Việc đăng ký sinh rất quan trọng vì sản phụ sẽ được chữa bệnh (nếu có), theo dõi, tiên lượng đẻ thường hay không, có bệnh nội khoa hay viêm nhiễm để có phương án xử lý kịp thời, hợp lý.
Những lưu ý trước cuộc đẻ
Ở những tuần cuối của thai kỳ, thai phụ cần đặc biệt chú ý đến một số biểu hiện quan trọng như ra máu, cơn co, vỡ ối. Khi thai phụ thấy bỗng nhiên ra nước, có thể nhầm là nước tiểu nhưng nếu là nước tiểu thì sau lần ra đó thì khô, dừng lại nhưng sau đấy vẫn có nước âm ỉ thấm ra là rỉ ối, vỡ ối, nếu không được phát hiện dễ dẫn đến viêm nhiễm, thai suy, thai chết. Trong những tháng cuối ra khí hư đục, hôi thì bị nhiễm khuẩn dẫn đến nguy cơ khi sinh cho thai nhi nên cần điều trị sớm. Theo xu hướng thai càng to, càng xuống kích thích cơn co, tử cung đôi khi gồng lên nhưng rồi mất đi, nhưng nếu cơn co và tử cung cứ gồng, to lên, kéo dài, khó chịu là dấu hiệu cơn co tử cung và phải vào viện ngay. Hiện tượng ra máu ồ ạt, ngày càng nhiều thường là rau tiền đạo, nguy cơ gây tử vong của mẹ và con. Trong trường hợp mổ cũ, tử cung có sẹo do mổ u xơ hay mẹ suy dinh dưỡng hoặc thai to, ngôi bất thường nếu cơn co dồn dập mà để kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ vỡ tử cung. Ngoài ra, nguy cơ tiền sản giật cũng cần được chú ý đúng mức để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Phối hợp với bác sĩ trong cuộc đẻ
Trong cuộc đẻ, dù là sinh con so hay con rạ thì thai phụ vẫn có những bối rối, bác sĩ cần hướng dẫn cho sản phụ vượt qua các thì, ví dụ thì thở vào, rặn đẻ như thế nào để cuộc chuyển dạ phù hợp với sinh lý. Bên cạnh đó, đối với từng sản phụ, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp đẻ phù hợp.
Chăm sóc hậu sản
Chăm sóc thai phụ ngay sau khi sinh là điều hết sức quan trọng vì nếu không được chăm sóc đúng mức sẽ bỏ qua những biểu hiện quan trọng như nguy cơ chảy máu nhiều sau đẻ do chấn thương đường sinh dục, đờ tử cung dẫn đến hạ huyết áp làm cho thai phụ lịm dần đi và có thể tử vong. Nhiều người cho rằng nằm bắt chéo hai chân để ngăn chảy máu nhưng việc làm này không đúng mà còn gây hại vì sẽ làm cho máu trong tử cung, âm hộ không đẩy ra ngoài được mà nằm trong tử cung làm cho tử cung càng bị đờ có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, sau khi sinh trong vòng 1-2 giờ đầu cần phải xoa bụng thường xuyên để máu sinh ra ngoài. Người nhà và bản thân sản phụ phải theo dõi màu sắc của máu, nếu thấy màu máu tươi nghĩa là đang chảy máu và cần thông báo với bác sĩ để xử lý kịp thời, nhiều trường hợp chảy máu do bị vỡ tử cung dưới phúc mạc, vỡ tử cung không hoàn toàn hoặc đờ tử cung rất nguy hiểm cho sản phụ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét